Khi mùa hè đến, bệnh tay chân miệng thường dễ bùng phát, gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và tinh thần của trẻ, khiến cha mẹ vô cùng lo lắng. Bài viết này sẽ cung cấp cho cha mẹ thông tin về dấu hiệu nhận biết và cách phòng tránh bệnh tay chân miệng hiệu quả để bảo vệ sức khỏe cho con em mình.
Bệnh tay chân miệng (HFMD) là bệnh gì?
Bệnh tay chân miệng (HFMD) là một bệnh truyền nhiễm phổ biến, đặc biệt ảnh hưởng đến trẻ em dưới 5 tuổi, do virus Enterovirus lây truyền qua đường hô hấp, tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết của bệnh nhân hoặc các vật dụng bị nhiễm bẩn, thường bùng phát vào mùa hè và mùa thu, gây sốt, lở miệng và phát ban da, có thể lây lan nhanh chóng ở trường học và trung tâm chăm sóc nhưng hầu hết mọi người đều tự khỏi sau 7 đến 10 ngày.
Căn nguyên và cách lây truyền bệnh chân tay miệng
Các chủng virus phổ biến nhất khiến trẻ bị tay chân miệng bao gồm:
- Coxsackievirus A16: Đây là chủng virus phổ biến nhất ở Mỹ và trên toàn thế giới
- Coxsackievirus A6: Ít phổ biến hơn Coxsackievirus A16 nhưng có thể gây ra triệu chứng nghiêm trọng hơn.
- Enterovirus 71 (EV71): EV71 ít phổ biến hơn Coxsackievirus A16 nhưng có thể gây ra biến chứng nguy hiểm hơn như viêm não, màng não
Bệnh chân tay miệng ở trẻ em thường lây lan vào mùa hè và mùa thu, nhưng có thể xảy ra bất kỳ lúc nào trong năm. Bệnh lây truyền nhanh chóng qua đường tiếp xúc trực tiếp với người bệnh hoặc qua các đồ vật bị bẩn do người bệnh.
Cách lây truyền phổ biến của bệnh gồm:
- Tiếp xúc với các giọt bắn: Khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc nói chuyện, các giọt bắn nhỏ chứa virus có thể bắn vào người khác và lây lan bệnh.
- Tiếp xúc trực tiếp: Chạm vào người bệnh, ví dụ như khi ôm, hôn hoặc dùng chung đồ dùng cá nhân như cốc, chén, muỗng,…
- Tiếp xúc với chất thải sinh học: Virus trong phân người bệnh có thể tồn tại vài tuần và lây sang trẻ em qua tiếp xúc khi thay tã, lau chùi,…
- Tiếp xúc với đồ vật bị nhiễm virus: Virus có khả năng tồn tại trên các bề mặt đồ dùng trong vài giờ hoặc tới vài ngày. Trẻ em có thể bị lây nhiễm nếu tiếp xúc với đồ vật bị bẩn do người bệnh, ví dụ như đồ chơi, dụng cụ ăn uống,…
Dấu hiệu bệnh tay chân miệng ở trẻ em
Các triệu chứng bệnh tay chân miệng ở trẻ thường xuất hiện từ 3-7 ngày sau khi trẻ bị nhiễm virus và có thể kéo dài 7-10 ngày, được thông tin chi tiết dưới đây:
- Sốt:
- Đây thường là dấu hiệu đầu tiên của bệnh, thường xuất hiện dưới dạng sốt nhẹ (37,5-38°C) hoặc sốt cao (38-39°C).
- Sốt có thể kéo dài từ 1-2 ngày trước khi các triệu chứng khác xuất hiện.
- Mệt mỏi, biếng ăn: Virus tấn công khiến trẻ mệt mỏi, uể oải, chán ăn, bỏ bú hoặc ăn kém hơn bình thường.
- Đau họng: Trẻ bị đau họng do virus tấn công niêm mạc, gây rát và khó nuốt khi nuốt nước bọt hoặc thức ăn
- Phát ban:
- Sau 1-2 ngày sốt, trẻ xuất hiện các nốt phỏng nước nhỏ, li ti, màu xám.
- Nốt phỏng thường mọc ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, miệng, mông, thậm chí có thể lan ra các bộ phận khác trên cơ thể.
- Các nốt phỏng này thường không ngứa, không đau, tự vỡ sau 2-3 ngày, để lại vảy trắng.
- Loét miệng thường xuất hiện ở niêm mạc má, lợi và lưỡi, các vết loét nhỏ, nông, gây đau rát. Loét miệng khiến trẻ khó ăn uống, dẫn đến nguy cơ mất nước.
Phòng ngừa tay chân miệng
Để giúp ngăn ngừa mắc hoặc lây lan chân tay miệng cho trẻ, cha mẹ cần:
- Vệ sinh tay chân cho trẻ thường xuyên: Rửa tay cho trẻ bằng xà phòng và nước sạch, đặc biệt là sau khi đi vệ sinh, trước khi ăn và sau khi tiếp xúc với người bệnh.
- Vệ sinh môi trường xung quanh: Thường xuyên lau chùi, khử trùng đồ chơi, dụng cụ học tập, bề mặt trong nhà, đặc biệt là tay nắm cửa, tay vịn cầu thang,…
- Vệ sinh ăn uống: Cho trẻ ăn chín uống sôi, đảm bảo thực phẩm an toàn. Sử dụng riêng rẽ chén bát, ly muỗng cho trẻ. Không cho trẻ mút tay, mớm thức ăn cho trẻ.
- Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với người bệnh: Tránh cho trẻ tiếp xúc trực tiếp với người bị tay chân miệng hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
- Tăng cường sức đề kháng cho trẻ cho trẻ: Cho trẻ bú sữa mẹ đầy đủ, bổ sung vitamin và khoáng chất cần thiết, khuyến khích trẻ vận động thể chất, ngủ đủ giấc.
Nguồn tham khảo
- Chuyên gia CDC, About Hand, Foot, and Mouth Disease, CDC. Truy cập ngày 12/07/2024.